PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế: Chữ tài liền với chữ tâm

Điều thú vị nhất trong cuộc đời của PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế là cái gì cũng đến sớm, từ chuyện học đại học, thực tập và biết cầm dao mổ sớm hơn bạn bè, đến việc nhận bằng tiến sĩ sớm ở tuổi 30, được xem là tiến sĩ trẻ nhất ở thời điểm 1996 trong lĩnh vực y khoa.
03/01/2010 23:10
PGS.TS Đỗ Kim Quế - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Thống Nhất

“Đi theo con đường của ngoại”

Nằm trong số 10 sinh viên tiên tiến khóa 1982-1988 của Trường Đại học Y TPHCM, sinh viên Đỗ Kim Quế khiến nhiều giáo viên và bạn bè ở trường bất ngờ khi anh là người trẻ nhất từ trước đến nay nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở tuổi 22 thay vì đúng tuổi là 24 tuổi. Sở dĩ xảy ra chuyện hi hữu này là do anh Quế học “nhảy cóc” hai lớp hồi nhỏ nên thi đại học cũng sớm hơn mọi người 2 năm, lúc anh mới 16 tuổi.

Ông ngoại của anh Quế là một thầy thuốc đông y có tiếng ở Hà Nội và hình ảnh ông lương y hiền từ bốc thuốc chữa bệnh cho người dân đã gieo vào lòng anh một ký ức tốt đẹp từ thời thơ ấu.


PGS.TS Đỗ Kim Quế thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: H.L

Hình ảnh đó theo anh mãi cho đến tuổi trưởng thành để rồi anh quyết định thi tuyển vào ngành y, tiếp tục sứ mệnh của người ông mà anh kính trọng. Năm đầu tiên học đại học, để hiểu rõ công việc của một bác sĩ, anh đã lẽo đẽo theo đoàn sinh viên thực tập của chị gái (cũng là sinh viên ngành y) thực tập tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Hướng dẫn thực tập cho đoàn là bác sĩ ngoại khoa Bùi Văn Ninh, người gây ấn tượng mạnh cho anh Quế không chỉ bởi chuyên môn giỏi mà còn ở phong cách thoải mái, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ mọi vấn đề với sinh viên. Bác sĩ Ninh là người thầy đầu tiên ảnh hưởng lớn đến việc anh Quế theo đuổi chuyên khoa Ngoại suốt 18 năm nay.

Điều thú vị nhất trong cuộc đời của bác sĩ Quế là cái gì cũng đến sớm, từ chuyện học đại học sớm, thực tập sớm và biết cầm dao mổ sớm hơn bạn bè, đến việc nhận bằng tiến sĩ sớm ở tuổi 30, được xem là tiến sĩ trẻ nhất ở thời điểm 1996 trong lĩnh vực y khoa.

Anh nói: “Có lẽ một phần do may mắn, tôi may mắn được học từ thực tế tại bệnh viện ở thời điểm chưa được phép thực tập, được tiếp xúc và học hỏi nhiều bậc đàn anh giỏi trong ngành mà tôi ngưỡng mộ”.

Bác sĩ khoa Ngoại đòi hỏi phải có đôi tay khéo léo cùng với sự phán đoán và tư duy nhanh nhạy. Để rèn luyện đôi tay khéo léo, anh Quế thường xung phong mổ gà, cắt bánh sinh nhật, luyện cắt giấy bằng dao lam...

Lăn lộn với Bệnh viện Chợ Rẫy suốt 6 năm đại học, những kinh nghiệm từ thực tế và từ các bậc đàn anh trong nghề đã giúp anh Quế có bề dày kinh nghiệm hơn các sinh viên cùng lứa, được tin tưởng giao mổ chính khi vừa tốt nghiệp đại học.

Sau đó, về công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 1988 đến 2003, anh Quế bảo: “Nơi này như ngôi nhà thứ hai của tôi và là một ngôi trường lớn giúp tôi trưởng thành hơn trong công việc. Ở khoa Phẫu thuật lồng ngực-tim mạch, tôi có 2 người thầy lớn là GS.TS Nguyễn Khánh Dư và GS.TS Nguyễn Đoàn Hồng, tôi đã chịu ảnh hưởng nhiều từ họ.

Với tôi, hai thiên chức thầy thuốc và thầy giáo đều rất cao quý, bản thân nghề thầy thuốc đã bao hàm đạo đức nghề giáo. Tôi tự đặt ra cho mình hai trách nhiệm: trách nhiệm lớn với người bệnh và trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau”.

Tình cờ gặp ngoài đời, với cách ăn nói giản dị ít ai nghĩ anh là một phó giáo sư, tiến sĩ. Càng ít ai ngờ hơn nữa là người có một vị trí công việc tốt và tay nghề giỏi như bác sĩ Quế lại sống cuộc sống thanh đạm trong căn hộ chung cư cũ trên đường Lương Nhữ Học (quận 5) suốt 15 năm nay.

Được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư ở tuổi 40, bác sĩ Quế cũng là người trẻ nhất của ngành y nhận vinh dự đó. Ngẫm lại, anh Quế thấy cái nghiệp thầy thuốc của mình cũng giống như ông ngoại ngày xưa, lấy việc cứu chữa bệnh nhân làm mục đích, còn bản thân sống cuộc đời đạm bạc và thanh thản.

PGS.TS Võ Văn Nho - Trưởng khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy

“Coi bệnh nhân như người thân của mình”

Tại tầng 3 Bệnh viện Chợ Rẫy, phòng của bác sĩ Võ Văn Nho - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, thường xuyên có bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân ra vào. Trừ những lúc có ca mổ, chuông điện thoại di động của ông cứ reo liên hồi với những câu hỏi của bệnh nhân ở xa.

Dù việc khám, chẩn đoán bệnh và những ca mổ gây cho ông nhiều mệt mỏi và căng thẳng, người ta luôn thấy bác sĩ Võ Văn Nho nở nụ cười khi tiếp xúc bệnh nhân. Bác sĩ Nho cho rằng nụ cười của người thầy thuốc dành cho người bệnh lúc nào cũng rất quý giá, “nó giống như liều thuốc giúp họ giảm bớt 50% nỗi đau bệnh tật đồng thời là chút sẻ chia, an ủi giữa con người với nhau” - ông cười hiền.


PGS.TS Võ Văn Nho đang xem phim CT. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đây là một trong những điều ông khắc cốt ghi tâm, cũng bởi bản thân ông đã từng có ấn tượng khó quên với một bác sĩ ở quê ông. Số là thời thiếu niên, ông hay bị bệnh vặt nên thường đến một bác sĩ tư có tiếng ở Bến Tre khám bệnh nhưng lạ một điều là vị bác sĩ này rất hiếm khi cười, thậm chí hay nạt nộ bệnh nhân khiến ai cũng sợ.

Chứng kiến cảnh đó, cậu bé Nho tức lắm, nghĩ bụng: “Mình đi khám bệnh, trả tiền đàng hoàng chứ có xin xỏ đâu mà bác sĩ lại la mắng. Mình phải ráng học để trở thành bác sĩ”. Mơ ước làm bác sĩ ở tuổi niên thiếu ban đầu tưởng như viển vông lại trở thành cái đích để ông phấn đấu và là cái nghiệp mà ông lựa chọn cho đời mình.

Khoa Ngoại thần kinh là lựa chọn của bác sĩ Nho từ thời sinh viên khi được phân công trực khoa này, chứng kiến cảnh người bệnh rên la đau đớn vì bị tổn thương vùng đầu. Cho đến bây giờ, ông vẫn còn nguyên cảm giác hạnh phúc sau lần mổ chính đầu tiên cho một ca bể hộp sọ năm ông 30 tuổi. Suốt 2 tiếng đồng hồ đứng mổ là khoảng thời gian vật lộn với tử thần đang kề cận bệnh nhân.

Thành công với ca mổ đầu tiên trong đời, niềm vui sướng dâng cao trong lòng vị bác sĩ trẻ đến trào nước mắt. Bước chân vào Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 1980, 26 năm gắn bó với khoa Ngoại thần kinh là một hành trình ông tiếp xúc với hàng ngàn người cận kề cái chết.

Phần lớn những ca cấp cứu được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy thuộc loại nặng, chủ yếu là trường hợp chấn thương sọ não hoặc các thương tổn liên quan đến hộp sọ... Do đó, ranh giới sống - chết như sợi chỉ mỏng manh, chỉ cần một phút lơ là hoặc chỉ định điều trị sai có thể chấm dứt một kiếp người hoặc làm thay đổi một số phận. Ông thổ lộ: “Cứu một người qua cơn nguy kịch, tôi rất hạnh phúc.

Tuy nhiên, đôi lúc tôi cũng gặp những thất bại ngoài ý muốn với những bệnh lý khó, nó khiến tôi trăn trở và mất ngủ. Nỗi buồn đó cứ trĩu nặng trong lòng. Chính vì vậy, tôi luôn tự nhắc mình không ngừng nỗ lực học hỏi”.

Trải qua thời bao cấp thiếu thốn và khó khăn, đồng lương thấp, ăn không đủ no nhưng bác sĩ Nho tự nhận ông rất giàu có về lòng nhiệt huyết và tình yêu công việc. Cho đến tuổi 47 hiện nay, ông vẫn giữ nguyên sự giàu có đó với tinh thần say mê công việc đến mức quên cả thời gian và cơm nước.

Điện thoại di động của ông không bao giờ tắt và nó thường làm ông giật mình thức giấc bởi những cú gọi của bệnh nhân lúc nửa đêm. Điều đó không làm ông bực mình mà trái lại: “Tôi sẵn sàng nghe máy. Đa số cuộc gọi này đều ở tỉnh xa, họ gọi mình vì cần mình tư vấn phương cách chữa trị và họ cần mình dẫn đường. Nếu phải mất ngủ nhiều đêm nhưng cứu được nhiều người thì tôi chẳng nề hà”.

Là một vị bác sĩ có y đức, bác sĩ Võ Văn Nho phản đối sự độc quyền trong y khoa vì “độc quyền sinh ra độc đoán. Bác sĩ giỏi mà độc quyền sẽ sinh ra chuyện làm khó bệnh nhân, vòi vĩnh người bệnh và biến họ trở thành lợi nhuận để bác sĩ làm giàu. Như vậy thì thất đức, thất nhân tâm”.

Năm 1993, bác sĩ Nho đảm nhận chính chương trình đào tạo “Cấp cứu chấn thương sọ não” dành cho bác sĩ ở các tỉnh phía Nam do Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai. Đây là cuộc trường chinh trong đời ông và các bác sĩ khác của khoa Ngoại thần kinh. Bản thân ông và đồng nghiệp đã hy sinh nhiều thời gian dành cho công việc và gia đình để tới từng tỉnh xây dựng đội ngũ hơn 200 bác sĩ đủ khả năng giải quyết các ca chấn thương sọ não tại địa phương hay vì chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay, chương trình này vẫn đang tiếp tục.

Làm giảng viên kiêm nhiệm của Đại học Quân Y, được mời giảng ở Đại học Y TPHCM nhiều năm nay, một bài học quan trọng không nằm trong giáo trình luôn được bác sĩ Nho truyền đạt cho sinh viên mình là “phải coi người bệnh như người thân của mình”.

Ông tâm sự: “Tôi thường khuyên các đồng nghiệp trẻ là không nên nạt nộ người bệnh. Họ lặn lội từ dưới quê lên đây chữa bệnh, mang theo nỗi đau bệnh tật. Họ giống như người chết đuối giữa dòng và họ coi bác sĩ là cái phao để cầu cứu. Ông tổ ngành y từng nói: Người thầy thuốc giỏi mà thiếu lòng nhân ái thì hết sức nguy hiểm.

Nhưng chỉ có lòng nhân ái mà không chịu học tập thì cũng không phải là thầy thuốc giỏi. Cho đến giờ, tôi thấy câu nói trên vẫn còn nguyên giá trị”.  

Theo Hồng Loan - Sài Gòn giải phóng

Tin cùng chuyên mục

TTƯT.PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Người khai mở phẫu thuật tim tại Bệnh viện Thống Nhất

TTƯT.PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Người khai mở phẫu thuật tim tại Bệnh viện Thống Nhất

BV Thống Nhất là BV thứ 3 tại TPHCM mổ tim hở, hiện nay sở hữu các kỹ thuật phẫu thuật tim, lồng ngực ngang tầm khu vực. Người góp phần quan trọng trong hành trình này là PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - vị bác sĩ say mê phẫu thuật tim, nhiệt thành truyền lửa cho thế hệ kế cận.

08/04/2021 15:00

Những người lính khoác áo blouse trắng: Cứu mạng bệnh nhân là trên hết

Những người lính khoác áo blouse trắng: Cứu mạng bệnh nhân là trên hết

Vừa nhìn thấy vết thương của bệnh nhân vào cấp cứu, TS-BS Trương Nguyễn Hoài Linh - Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM - nhanh chóng yêu cầu đưa người bệnh vào ngay phòng mổ, mở lồng ngực và tìm thấy vết thương lớn 2cm ở vùng tam giác tim.

01/03/2021 11:47

GS.TS.BS Nguyễn Thiện Thành: Người Thầy - người Giám đốc đầu tiên của BV Thống Nhất

GS.TS.BS Nguyễn Thiện Thành: Người Thầy - người Giám đốc đầu tiên của BV Thống Nhất

Khi đất nước hòa bình, thống nhất, BS Nguyễn Thiện Thành đã từ chối chức Thứ trưởng Bộ Y tế, ở lại TPHCM dốc sức xây dựng Bệnh viện Thống Nhất trở thành một trung tâm y tế chất lượng cao trong khu vực và cả nước, phục vụ sự nghiệp khám chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân.

24/12/2020 22:05

PGS.TS.BS Lê Văn Quang: Người thầy vun xới khối Ngoại, Bệnh viện Thống Nhất

PGS.TS.BS Lê Văn Quang: Người thầy vun xới khối Ngoại, Bệnh viện Thống Nhất

Từ những bước đầu mời các chuyên gia phẫu thuật về bệnh viện đứng mổ, ngày nay khối Ngoại Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện được các phẫu thuật tân tiến. PGS.TS.BS Lê Văn Quang là một trong những người thầy đã dày công vun xới, dẫn dắt khối Ngoại của bệnh viện có được sự trưởng thành này.

22/10/2020 13:11

Xem tiếp tin tức cùng chuyên mục

THỜI GIAN KHÁM BỆNH TẠI BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT

  • Thứ 2 - Thứ 6: Sáng: 7h00 -11h30 | Chiều: 13h00 -16h30
  • Thứ 7: Sáng: 7h00 - 11h30 (Khám ở khu Dịch vụ) | Chiều: 13h00 - 16h30(Có nhận khám cho đối tượng BHYT)
  • Chủ nhật: Nghỉ

Đăng kí hẹn giờ khám: Gọi tổng đài 028.1080 (chỉ áp dụng cho hình thức khám bảo hiểm y tế cán bộ).

Các chuyên khoa

1900 2345 47

1900 63 61 95